Có thể nói Trùm Cỏ là một bộ phim "chịu chơi" từ diễn viên cho đến nhà sản xuất. Phim quy tụ bộ ba danh hài Việt Hương - Thu Trang -Trấn Thành - những cái tên "bảo chứng" tính giải trí của điện ảnh Việt. Dù xuất hiện với tạo hình "làm lố": Việt Hương diện một cây đầm siêu cầu kì, Trấn Thành vừa tô son vừa để ria mép, Thu Trang chuyển tông "chuẩn men", nhưng không thể phủ nhận vai diễn của cả ba chính là điểm sáng của cả bộ phim. Kinh nghiệm diễn xuất tự nhiên cộng với sự hết mình cho vai diễn, không ngại đem thân mua vui của bộ ba đã đem lại những tiếng cười hết sức "vi diệu" trong rạp.
Ngược lại, hai diễn viên trẻ Quang Đăng và Hari Won còn nhiều bỡ ngỡ. Diễn xuất của Quang Đăng khá đơ và không để lại được ấn tượng cho khán giả. Trong khi Hari Won rõ ràng chỉ hợp với những dạng vai dễ thương và gây cười bằng chất giọng ngọng nghịu. Khi thử sức qua dạng vai khác, cụ thể là vai giang hồ như Ngô Đồng, Hari lập tức bộc lộ điểm yếu. Tuy nhiên, cả hai được đánh giá cao về mặt "xả thân" vì vai diễn: Hari Won dám chịu xấu, hóa thân thành một Ngô Đồng đen nhẻm, lôi thôi; còn Quang Đăng xém nữa đã "một đi không về" khi thực hiện cảnh quay trên xà lan trong đêm mưa bão.
Thay vì làm phim theo mô-típ quen thuộc "dám mơ ước, sẽ thành công" nhàm chán, Trùm Cỏ táo bạo bẻ ngoặt câu chuyện theo một hướng đi mới. Mộc Lâm không thăng hoa với thực lực sẵn có mà lại thăng hoa với... cỏ. Phim cũng có chửi xéo công nghệ lăng xê, những mặt tối của showbiz Việt nhưng khổ nỗi những yếu tố đó lại không đủ "ép phê" và ấn tượng như những phút cả dàn diễn viên lăn ra vui vẻ với "cỏ cây".
Dù cười thỏa thích là thế, khán giả vẫn không khỏi hoang mang trước những tình tiết dông dài, thừa mứa và câu giờ của phim. Không biết lúc làm phim cả dàn biên kịch lẫn đạo diễn có thử làm vài điếu "quang hợp" với "cỏ cây" hay không mà có thể dựng nên một bộ phim có nhịp điệu lạ lùng như vậy. Có những phân cảnh phim giải trí xuất sắc, lời thoại "vi diệu" đậm đà đưa không khí "lên" bất ngờ. Chỉ trong ít phút sau, những màn gây cười bỗng dây dưa nhạt nhẽo như hậu phê thuốc.
Nhưng phê mãi cũng có lúc... tỉnh. Và lúc tỉnh quả thực bất ngờ. Phim không có nhiều cao trào nhưng cái kết phút cuối lại tạt một gáo nước lạnh buốt khiến người xem ngơ ngác không biết mình đang tỉnh hay mơ. Từ kịch bản đơn giản ban đầu, Trùm Cỏ lại cố tình "vặn xoắn" để nặn ra một cái kết không đỡ nổi.
Có lẽ nhà làm phim Trùm Cỏ cũng muốn đưa phim vượt mức hài giải trí thông thường, nhưng "cố quá" lại thành "quá cố" khiến mạch truyện rời rạc thiếu chặt chẽ. Sau Tốc Độ Và Đường Cong, đạo diễn Phan Minh lại tiếp tục kể một câu chuyện lửng lơ, thậm chí còn phiêu hơn trước. Mỗi thứ đều có một chút, từ tệ nạn xã hội, nhiễu nhương showbiz, đồng tính, tôn vinh luật pháp đến hài nhưng chỉ có hài (như mọi phim Việt khác) là ổn. Và để gỡ rối, đạo diễn quyết định cho khán giả "đáp" đột ngột không thắng kịp bằng cách dẫn câu chuyện đầy tính hình sự trên lạc quẻ sang cổ tích cô tiên xanh phiên bản "cỏ cây".
Những yếu tố đưa bộ phim "lên" khác là những cảnh quay đẹp mắt bằng flycam. Khán giả sẽ được phóng tầm mắt dọc theo thiên đường cỏ xanh rậm rì, được chứng kiến những góc rất khác của Sài Gòn hoa lệ từ trên cao đổ xuống. Tuy nhiên, cứ quá nhiều lại hóa ra nhàm. Một điểm dư thừa khác khác của phim khiến người xem mệt mỏi là việc sự dụng yếu tố LGBT vô độ. Việc sử dụng hình ảnh các nhân vật có yếu tố "giữa hai giới tính" để gây cười khiến phim đi vào lối mòn cũ rích, và nó lại càng chán chường hơn khi bị lạm dụng để tăng tính giật gân.
Xét về mặt giải trí, Trùm Cỏ đã làm tốt trong việc đem lại tiếng cười đến số đông khán giả. Tuy nhiên vì quá ôm đồm nhiều yếu tố nên phim như một vận động viên hụt hơi. Nhưng thay vì ráng sức hoàn thành cuộc đua một cách đẹp mắt, phim lại lựa chọn gây sốc ở bước cuối cùng để thu hút sự chú ý. Khán giả có thể ấn tượng về cái kết đó rất lâu, nhưng đó là một ấn tượng đầy hoang mang và khó hiểu.
Trùm Cỏ được công chiếu trên các rạp toàn quốc từ ngày 11/9/2015
No comments :
Post a Comment